Xây dựng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Vũng Tàu

Sở công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có buổi làm việc với UBND thành phố Vũng Tàu về dự án Xây dựng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, nguồn kinh phí để đầu tư cho dự án là 500 triệu đồng; chợ được lựa chọn phải đạt các tiêu chí cơ bản như: chợ nằm trong quy hoạch, đang hoạt động có hiệu quả; có khu kinh doanh hàng thực phẩm riêng biệt; có tổ chức quản lý chợ được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập; thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc rõ ràng, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng; người kinh doanh thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ, có giấy khám sức khoẻ định kỳ, được phổ biến quy định của pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và cam kết thực hiện VSATTP; cơ sở hạ tầng nơi bán, khu giết mổ, kho bảo quản và hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường... phải được đảm. Đồng thời cũng đề xuất chọn chợ Vũng Tàu để xây dựng mô hình thí điểm chợ VSATTP tại thành phố Vũng Tàu.
 
 
 
                    Hiện nay, tại chợ Vũng tàu, hầu hết quầy hàng, ki ốt được kiên cố hóa, việc sắp xếp, bố trí quầy hàng, ngành hàng, nhóm hàng tương đối hợp lý, khoa học. Tại các quầy hàng kinh doanh mặt hàng tươi sống, thực phẩm chế biến, thịt, giò chả, mặt bàn của quầy hàng được ốp bằng vật liệu sạch, không han gỉ, không gây ô nhiễm thực phẩm hoặc ốp bằng đá granit, gạch tráng men có độ dày từ 2cm trở lên khá hợp lý. Việc thu gom nước thải, rác thải, chất thải của chợ nói chung và các khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả được thực hiện gọn gàng, sạch sẽ. Tuy nhiên, khu vực phía cổng sau chợ (bên mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) vẫn còn nhiều vũng nước và mùi tanh của hàng cá, tôm… vẫn bốc lên gây ô nhiễm môi trường, khu vực phía cổng chính (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), vẫn còn khá nhiều hộ kinh doanh ở hai bên mặt đường nhiều khi gây cản trở cho người lưu thông trên đường.
 
                       Do đó, Để xây dựng được chợ bảo đảm VSATTP cần sự phối kết hợp, sự tham gia và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó Sở Công thương là đơn vị chủ trì, phối hợp tập huấn, trang bị kiến thức về nghiệp vụ kinh doanh, văn minh thương mại, ATVSTP cho các hộ kinh doanh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu của mô hình chợ thí điểm cũng như việc đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc nguồn vốn ngân sách hỗ trợ. Sở NN&PTNT có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, giết mổ, sơ chế, bảo quản đối với các sản phẩm. Đồng thời thông tin cho Sở Công thương và Ban quản lý chợ về quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, các khu giết mổ tập trung, các cơ sở vi phạm VSATTP thuộc ngành mình quản lý góp phần giúp các hộ kinh doanh thực phẩm và ăn uống tại chợ thiết lập chuỗi liên kết giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Sở Y tế chủ trì thanh, kiểm tra ATVSTP thuộc phạm vi quản lý, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất và lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong chợ, cảnh báo về sự ngộ độc trong chợ. Ban quản lý chợ, tiểu thương kinh doanh chợ thí điểm đảm bảo VSATTP, ngoài chấp hành nghiêm các quy định về tiêu chuẩn mô hình chợ thí điểm, có trách nhiệm dự toán kinh phí xây dựng các hạng mục đầu tư đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ. Bản thân người sản xuất kinh doanh thực phẩm tại chợ phải luôn nhận thức được rằng việc sản xuất kinh doanh  những sản phẩm sạch, an toàn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình….