Thời gian qua, các khu nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi tôm. Tuy nhiên, dịch bệnh tại các khu vực nuôi tôm đã liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường tại các vùng nuôi tôm công nghiệp đang bị ô nhiễm trên diện rộng.
NGUYÊN NHÂN TỪ NGƯỜI NUÔI
10 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, các vùng nuôi trọng điểm như: xã Lộc An, xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ); xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)… diện tích nuôi ngày càng được mở rộng. Nghề nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế gấp cả trăm lần so với trồng lúa, nên nhà nhà đua nhau đào ao nuôi tôm, bất chấp lời cảnh báo về việc bảo vệ môi trường sinh thái của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu ý thức bảo vệ môi trường nuôi; ao nuôi tập trung ven sông, cùng chung nguồn nước, người lấy vào, người xả ra, hoạt động xả thải không tuân thủ đúng qui định, không có ao xử lý nước thải… dẫn tới suy thoái môi trường và bùng phát dịch bệnh.
Theo phản ảnh của nhiều người, vào thời điểm cuối vụ cũng là lúc tình trạng ô nhiễm trong ao nuôi nặng nhất, bởi lượng thức ăn cho tôm được thả xuống ao nuôi ồ ạt. Vài nơi đã xuất hiện hiện tượng cá sông chết hàng loạt tại các khu vực tập trung xả nước ao nuôi tôm… và hậu quả không ai khác ngoài các hộ nuôi tự gánh chịu. Chẳng bao lâu, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên con tôm khiến người nuôi tôm lo ngại.
VÀ DO THIẾU QUY HOẠCH
Môi trường tại các khu nuôi tôm công nghiệp bị ô nhiễm, ngoài nguyên nhân do ý thức của người dân, còn phản ánh một thực trạng chung của nghề nuôi thuỷ sản hiện nay, đó là thiếu quy hoạch. Thực tế, những vùng nuôi tôm tập trung ở xã Lộc An, Láng Dài (huyện Đất Đỏ); xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)…chỉ phát triển tự phát. Đến thời điểm này, ngành thủy sản vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi chuyên canh theo quy hoạch. Nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay vẫn mang tính chất nông hộ, gây khó khăn cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Theo ông Trần Hữu Lâm, ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc: “Để nghề nuôi tôm công nghiệp phát triển, ngành nông nghiệp phải có quy hoạch chi tiết về vùng nuôi theo khoa học, kênh lấy nước, kênh xả thải phải quy định rõ ràng. Giữ được sự trong sạch cho dòng sông chính là giữ được nghề nuôi tôm và ngược lại”.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương, có kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường tại các khu vực nuôi. Đồng thời, phát động phong trào trồng rừng, nhằm bảo đảm độ che phủ hợp lý, đủ sức điều hòa các yếu tố môi trường nước và cả không khí theo hướng có lợi cho sản xuất và đời sống; Xây dựng các trạm quan trắc, hình thành các điểm cảnh báo tại các nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và giám sát môi trường tại các vùng nuôi tập trung.